Cách đây khoảng 1 tháng, phân khúc VGA trung cấp bổ sung thêm một gương mặt mới: Đó là GT 730. Với giá dao động quanh khoảng 1,7 – 1,8 triệu đồng, GT 730 sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm từ người dùng học sinh, sinh viên và các game thủ game online. Nvidia đưa ra 3 mẫu GT 730 với thông số như sau:
- Phiên bản 1: 96 nhân CUDA, bộ nhớ GDDR3, giao tiếp nhớ 128 bit, xung nhịp 700/900 MHz.
- Phiên bản 2: 384 nhân CUDA, bộ nhớ GDDR3, giao tiếp nhớ 64 bit, xung nhịp 902/900 MHz.
- Phiên bản 3: 384 nhân CUDA, bộ nhớ GDDR5, giao tiếp nhớ 64 bit, xung nhịp 902/1250 MHz.
Vì vậy khi tiếp cận với các VGA GT 730 đang có trên thị trường, người dùng cần đọc kỹ thông số trước khi quyết định mua.
Hôm nay GenK xin gửi đến độc giả đánh giá chi tiết hiệu năng của GT 730 phiên bản 1 và 3. Sản phẩm trong bài viết được cung cấp bởi Gainward – thương hiệu đến từ Đài Loan. Gainward là đối tác lâu năm của Nvidia, được biết đến với nhiều mẫu VGA đẳng cấp cả về hiệu năng lẫn thiết kế.
Cả 2 phiên bản GT 730 này của Gainward đều đang có giá bán lẻ 1.750.000 VNĐ (theo báo giá của Công ty Máy tính An Phát – 49 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội).
Gainward GT 730 GDDR5
Gainward GT 730 GDDR5 được đóng gói cực kì nhỏ gọn. Vỏ hộp chỉ vừa đủ nhét VGA (bọc trong túi chống sốc) và đĩa driver cùng sách hướng dẫn. Đối với người có thói quen giữ box như tôi (sau này bán lại còn full box, đầy đủ phụ kiện) thì điểm này rất đáng khen vì box chiếm ít diện tích, lại cứng cáp không móp méo.
Card sở hữu thiết kế low-profile, board mạch thấp và ngắn hết mức có thể. Tuy rằng không đẹp mắt nhưng low-profile có ưu điểm tương thích với các thùng máy HTPC nhỏ gọn. Đây là điểm tôi cho rằng hợp lý bởi trên thị trường VGA dành cho HTPC còn rất thiếu và yếu – trong khi game là điểm không thể thiếu trong bất kỳ hệ thống giải trí nào.
Do board thấp nên cổng D-Sub phải nối cáp tín hiệu từ bo mạch.
Tuy kích thước low-profile nhưng Gainward lại trang bị cho sản phẩm quạt tản nhiệt chiếm 2 slot. Điều này cho phép tản nhiệt tốt hơn, quạt êm và bền hơn, giúp chiếc GT 730 GDDR5 của họ tương thích với cả HTPC lẫn các cấu hình PC thông thường. Tuy nhiên điều này có thể khiến chiếc card không thể nhét vừa một số thùng máy chuẩn ITX.
Với TDP định mức chỉ 49W, GT 730 chỉ cần 2 phase điện để hoạt động. Mỗi phase trang bị 2 tục lọc làm phẳng.
Một trong 4 con ốc ở mặt sau được dán tem chống mở. Nếu ốc này bị tháo, hãng sẽ không nhận bảo hành các lỗi như mẻ GPU, gãy chân tụ… Giờ rất nhiều hãng sử dụng tem này để chống các khách hàng “quái chiêu” ăn vạ khi làm hỏng card.
Card được trang bị 3 cổng xuất hình: D-Sub, HDMI và DVI. Thông qua 3 cổng này, GT 730 có thể hiển thị ra 3 màn hình cùng lúc.
Chip nhớ sử dụng của Elpida.
Phiên bản GDDR5 này của Gainward có bộ nhớ 1 GB, giao tiếp 64 bit, GPU 384 nhân CUDA, xung nhịp 902/1253 MHz.
Gainward GT 730 GDDR3
Cũng giống bản GDDR5, bản GT 730 GDDR3 của Gainward cũng được đóng gói đơn giản nhỏ gọn. Phụ kiện chỉ có đĩa driver và sách hướng dẫn.
Bề ngoai của bản GDDR3 này được đầu tư hơn. Board mạch được bao bọc bằng mặt nạ hình hộp đen tuyền hình dáng độc đáo.
Trên mặt nạ bố trí một khoảng hở để đẩy nhiệt ra ngoài.
Bản GT 730 GDDR3 cũng được trang bị 3 cổng xuất hình D-Sub, HDMI và DVI với khả năng hiển thị cùng lúc 3 màn hình.
Mở mặt nạ ra: board mạch bên trong cũng mang thiết kế low-profile của Nvidia với 2 phase điện.
Phiên bản GDDR3 sử dụng chip nhớ Nanya – một thương hiệu ít nổi hơn so với SKhynix hay Samsung. Tuy nhiên Nanya là một cái tên đáng tin cậy. Chip nhớ của hãng thường xuất hiện trên các sản phẩm tầm phổ thông của Corsair hay Kingston, độ bền tương đối tốt.
Bản GDDR3 này được trang bị tới 2 GB bộ nhớ, giao tiếp 128 bit, GPU 96 nhân CUDA, xung nhịp 700/535 MHz. Thông số của bản này rõ ràng yếu hơn bản GDDR5 nhiều.
Cấu hình thử nghiệm
Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4
Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K @4.5 GHz
Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866
Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB
Nguồn: 660W
Card đồ họa:
Gainward GT 730 GDDR3 – 700/535 MHz
Gainward GT 730 GDDR5 – 902/1253 MHz
MSI GT 630 – 752/810 MHz (xung gốc của Nvidia 700/800 MHz)
MSI HD 7730 GDDR3 – 800/800 MHz
MSI HD 7730 GDDR5 – 800/1125 MHz (bằng xung gốc của AMD)
MSI R7 250 – 1100/1150 MHz (xung gốc của AMD 1050/1125 MHz)
MSI R7 240 – 780/900 MHz
Phần mềm và game thử nghiệm
- Nvidia Driver 337.88 WHQL
- AMD Driver Catalyst 14.4 WHQL
- 3DMark Vantage: Thiết lập Performance Preset (1280 x 1024)
- 3DMark 11: Thiết lập Performance Preset (1280 x 720)
- 3DMark 2013: Fire Strike
- Batman: Origins (DX 11)
- BioShock Infinite (DX 11)
- Crysis 3 (DX 11)
- Dirt 3 (DX 11)
- Hitman Absolution (DX 11)
- Metro: Last Light (DX 11)
- Sleeping Dogs (DX 11)
- Sniper Elite V2 (DX 11)
- Tomb Raider (DX 11)
Kết quả thử nghiệm
Bản GT 730 GDDR5 có hiệu năng tương đối tốt trong tầm giá. Trong khi đó bản GDDR3 thì ngược lại, thậm chí còn yếu hơn cả GT 630!
Thử nghiệm eSport: Dota 2
Phân khúc mà Gainward GT 730 đánh vào tập trung rất nhiều game thủ eSport và các quán game net. Vì thế ngoài các game offline ở trên tôi thực hiện thêm phần benchmark Dota 2 – game ưa thích của tôi.
- Gainward GT 730 GDDR5: Hiệu năng của chiếc card có thể đảm đương Dota 2 thiết lập gần max, độ phân giải Full HD 1920 x 1080.
Dưới đây là đồ thị thể hiện khung hình ở 5 phút cuối game – thời điểm xảy ra nhiều combat lớn. FPS chủ yếu đạt trên 40, thi thoảng bị giảm xuống dưới 30 nhưng không ảnh hưởng lắm đến chất lượng game.
Kết quả trận đấu:
- Gainward GT 730 GDDR3: Dù bằng giá nhưng VGA này yếu hơn bản GDDR5 nhiều, tôi phải giảm Shadow và Texture xuống Medium, đồng thời tắt tất cả các hiệu ứng. Độ phân giải vẫn giữ nguyên 1920 x 1080.
Đồ thị thể hiện khung hình ở 5 phút cuối game:
Kết quả trận đấu:
Nhiệt độ - Độ ồn
Nhiệt độ phòng thời điểm tôi thực hiện bài test này là 32 độ C.
Cả 2 card đều chạy rất êm, không hề phát ra tiếng ồn nào.
Tổng kết
Biểu đồ tổng kết hiệu năng:
Phiên bản GT 730 GDDR5 của Gainward là một sản phẩm tốt trong tầm giá, phù hợp với các cấu hình phân khúc phổ thông của học sinh, sinh viên và game thủ eSport. Card có thể chiến tốt game offline nặng trên màn hình 18,5” độ phân giải 1366 x 768. Đối với các game eSport, Gainward GT 730 GDDR5 tha hồ chiến vi vu màn Full HD. Trong bài viết tôi đã thử nghiệm với Dota 2, ngay cả thời điểm cuối game combat lớn FPS vẫn chấp nhận được.
Một điểm mạnh khác là kích thước low-profile phù hợp với các máy tính giải trí HTPC – vốn trước nay tính năng chơi game bị hạn chế vì VGA low-profile quá yếu.
Ngược lại, phiên bản GDDR3 lại là một thất bại. Giá cao ngang với bản GDDR5 nhưng hiệu năng bằng chưa đến một nửa. Bạn đọc cần chú ý chiếc GDDR3 trong bài thuộc phiên bản 1 của GT 730 chỉ có 96 nhân CUDA, Nvidia còn một phiên bản GDDR3 khác sử dụng GPU 384 nhân CUDA (xem ở đầu bài viết). Tuy nhiên bản GDDR3 384 nhân CUDA này vẫn có nhược điểm băng thông bị thắt chỉ bằng 36% so với bản GDDR5, nên cũng không đáng để mắt trừ khi giá thấp hơn nhiều.
Giá tham khảo của 2 sản phẩm (theo báo giá của Máy tính An Phát – một đơn vị bán lẻ tại Hà Nội):
- Gainward GT 730 GDDR5: 1.750.000 VNĐ
- Gainward GT 730 GDDR3: 1.750.000 VNĐ
* Giá tham khảo một số sản phẩm khác trong tầm giá theo báo giá của An Phát. Xin cảm ơn Công ty Máy tính An Phát đã hỗ trợ sản phẩm cho bài viết:
- MSI GT 630: 1.690.000 VNĐ
- MSI HD 7730 GDDR3: 1.529.000 VNĐ
- MSI HD 7730 GDDR5: 1.890.000 VNĐ
- MSI R7 240 OC: 1.888.000 VNĐ
- MSI R7 250: 2.260.000 VNĐ
- Gigabyte GT 630 1 GB: 1.580.000 VNĐ
- Gigabyte GT 630 2 GB: 1.750.000 VNĐ
- Gigabyte R7 240 OC: 1.850.000 VNĐ
- Gigabyte R7 250 OC: 2.255.000 VNĐ
- Zotac GT 630: 1.630.000 VNĐ
- Zotac GT 640: 2.050.000 VNĐ
- Zotac GTX 650 Synergy: 2.550.000 VNĐ
- Gainward GTX 650: 2.550.000 VNĐ
Theo genk.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét